Hà Nam là một tỉnh thuộc miền Bắc nước ta, cách Hà Nội khoảng 60km về phía Nam. Nơi đây không chỉ có những địa danh tuyệt đẹp với núi non, sông nước hùng vĩ, Hà Nam còn thu hút du khách với nền ẩm thực phong phú, những nét đẹp truyền thống từ bao đời còn nguyên vẹn và những địa điểm văn hóa tâm linh lớn. Nếu bạn đang có kế hoạch đi Hà Nam thì hãy cùng Cenco tìm hiểu về những địa điểm thú vị, các món ăn nổi tiếng tại nơi đây và cách di chuyển đến Hà Nam nhanh nhất nhé!

Du lịch Hà Nam vào thời điểm nào?

Hà Nam mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, gió mùa, mùa đông lạnh và mùa hè nóng ẩm. Thời tiết và khí hậu ở Hà Nam rất đẹp, mỗi mùa ở Hà Nam lại mang một vẻ đẹp khác nhau, vì vậy bất kỳ thời điểm nào bạn cũng có thể xách balo và đi đến nơi đây. Nếu bạn ưa thích các hoạt động lễ hội thì bạn có thể đến Hà Nam vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm để được trải nghiệm không khí lễ hội nhộn nhịp và khám phá thêm về phong tục tập quán thú vị của mảnh đất Hà Nam.

Di chuyển đến Hà Nam bằng phương tiện gì?

Hiện nay hệ thống giao thông của Hà Nam rất phát triển. Đường xá nơi đây được xây dựng khang trang nên các phương tiện có thể dễ dàng di chuyển đến đây Nếu từ Hà Nội đi các tỉnh thành khác như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa thì rất có thể bạn sẽ đi qua địa phận Hà Nam. Chọn Hà Nội là điểm xuất phát thì bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn về phương tiện di chuyển khi đi du lịch Hà Nam:

Xe bus: Bạn di chuyển đến bến xe Giáp Bát và bắt chuyến xe bus tuyến Hà Nội – Phủ Lý, cứ khoảng 15 phút là sẽ có một chuyến xe chạy, giá khoảng 30.000VND/ vé . Chỉ khoảng hơn 1 tiếng ngồi xe là bạn đã có thể tới được Hà Nam.

Xe khách: Đến với Hà Nam thì có nhiều xe khách cho bạn lựa chọn:

  • Từ Sơn Tây muốn đến Phủ Lý Hà Nam bạn có thể lựa chọn nhà xe Sao Việt với giá vé khoảng 100.000VND/vé.
  • Từ bến xe Mỹ Đình hay Giáp Bát tới Hà Nam cũng có khá nhiều chuyến xe cho các bạn lựa chọn. Hiện nay đã có tuyến đường cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ nên chỉ mất khoảng 1h để tới nơi. Giá vé dao động trong khoảng từ 50k – 80k/ 1 người. Một số xe khách gợi ý cho bạn: xe khách Mỹ Linh, xe khách Hùng Hoa, xe khách Việt Anh,…

Xe máy: để thuận tiện di chuyển bạn có thể di chuyển bằng xe máy. Từ Hà Nội, bạn chạy dọc theo quốc lộ 1A, đi qua cầu Giẽ rồi đi thẳng là sẽ tới Hà Nam.

Tàu hỏa: Ga Phủ Lý là một trong những ga trọng yếu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Giá vé khoảng từ 60.000 đồng/người và thời gian di chuyển hơn 1 tiếng từ Hà Nội. Đi tàu đúng giờ và giá rẻ nhưng bất tiện về thời gian vì chỉ có những khung giờ cố định, song bạn có thể thong thả ngắm cảnh dọc đường và trải nghiệm cảm giác đi tàu hỏa.

Các địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến Hà Nam

1. Chùa Tam Chúc

Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km và cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km.

Chùa Tam Chúc mang vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc tựa tiên cảnh của nơi thờ tự đang “làm mưa làm gió” trên bản đồ du lịch tâm linh ở Việt Nam. Khu du lịch Tam Chúc nổi tiếng với ngôi chùa được xây dựng lớn nhất trên thế giới đã thu hút hàng vạn khách du lịch mỗi năm. Khu du lịch này có tổng diện tích lên tới 5.000 ha bao gồm: hồ nước, núi đá rừng tự nhiên và các thung lũng. Nơi đây được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ mang vẻ đẹp tự nhiên của núi non hùng vĩ, được xây dựng kết hợp các kiến trúc thiết kế cổ kính.

2. Đền Lảnh Giang

Địa chỉ: thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Đền Lảnh Giang ( đền Lảnh) là nơi thờ Tam vị danh thần họ Phạm đời Hùng Vương thứ 18, Quan Lớn Đệ Tam. Bên cạnh đó, điểm đến tâm linh này còn thờ Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Ba vị danh thần là ba vị tướng có công đánh giặc Thục, bảo vệ lãnh thổ, đều là con của Bát Hải Long Vương và nàng Quý. Họ không những có công giúp vua Hùng chống quân Thục Phán, mà còn phù trợ vợ chồng Tiên Dung công chúa. 

Nếu bạn muốn đến Lảnh Giang bạn có thể đị vào thời điểm tháng 6 và tháng 8 mùa lễ hội. Đây là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội linh đình, náo nhiệt, mang đậm bản sắc và phong tục nơi đây khiến nhiều người thích thú. Được hòa mình vào không khí náo nhiệt của các lễ hội này chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ trong chuyến du lịch Hà Nam, đến khám phá đền Lảnh Giang nổi tiếng.

3. Chùa Địa Tạng Phi Lai

Đia chỉ: thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm

Chùa Địa Tạng Phi Lai (tên Nôm còn gọi chùa Đùng) hiện nay trở thành một địa điểm du lịch Hà Nam cực hot được nhiều du khách tìm đến khám phá trong chuyến đi của mình. Chùa  có lịch sử tồn tại đã hơn 1000 năm tuổi. Hai bên có dãy núi mang hình dạng Tả thanh long, Hữu bạch hổ cùng nhiều vật cổ có giá trị lịch sử thiêng liêng, mang đậm dấu ấn của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chùa nằm ngay trên một ngọn đồi nhỏ, phía sau có rừng thông xanh và thuộc địa bàn thôn Ninh Trung. Không khí nơi đây thanh tịnh, thoáng đãng khiến du khách có thể đắm chìm vào những khoảnh khắc yên bình, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ thanh vắng quên đi mọi muộn phiền trong cuộc sống.

4. Chùa Bà Đanh

Địa chỉ: thôn Đanh, Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam

Chùa Bà Đanh được xem như là một ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam, với diện tích khoảng 10ha và nằm ở sát núi Ngọc và hướng mặt ra sông Đáy. Chùa Bà Đanh đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi, khuôn viên chùa có gần 40 gian nhà lớn nhỏ mang đầy nét đẹp nghệ thuật dân gian.  Chùa có nhiều di vật có từ thời Lý- Trần. Đến đây du khách có thể cảm nhận rõ sự yên bình, vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật với núi sông cây cỏ.

5. Ngũ Động Thi Sơn (Ngũ Động Sơn)

Địa chỉ: thuộc khu vực thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam

Ngũ Động Sơn là là một địa điểm du lịch gắn liền với truyền thuyết kể rằng lá cờ của Lý Thường Kiệt đã bay lên núi trong lúc ông chinh phạt phương Nam đi qua thôn Uyển Sơn tỉnh Hà Nam. Ông đã coi đây là một điềm may mắn và ngay lập tức tiến hành cầu lễ tế đại thắng. Từ sau khi thắng trận trở về, Lý Thường Kiệt đã khao thưởng toàn bộ quân đội và sau đó đặt tên cho ngọn núi này là núi Cuốn Sơn, một trong 5 ngọn núi thuộc Ngũ Động Thi Sơn nổi tiếng mà du khách nhất định không thể bỏ lỡ.

6. Nhà Bá Kiến

Địa chỉ: làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Ngôi nhà của Bá Kiến (tên thật là Bá Bính) nằm lọt trong một khu đất rộng chừng 900m2. Nhắc đến làng Vũ Đại là nhắc tới các nhân vật văn học là Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở. Hiện tại ngôi nhà ba gian của Bá Kiến trong nguyên mẫu vẫn còn đó và là điểm đến tham quan thu hút. Khi đến tham quan ngôi nhà du khách như được hòa vào những năm 40-50 thế kỉ xưa. Nhà Bá Kiến được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ với tổng cộng 4 hàng cột và hơn chục cây gỗ lim cổ thụ quý hiếm có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Chính vì vậy mà dù cho đã trải qua hàng trăm năm tồn tại nhưng ngôi nhà này vẫn luôn giữ được nét cổ kính vốn có. 

Đến Hà Nam ăn gì?

Cá kho làng Vũ Đại

Nhắc đến ẩm thực Hà Nam người ta thường nghĩ ngay đến một món ăn có lịch sử lâu đời- cá kho làng Vũ Đại. Để kho ra một nồi cá kho thơm ngon người ta phải kì công từ khâu chọn nguyên liệu: Cá được sử dụng để kho phải là cá trắm đen to, được tẩm ướp gia vị cầu kỳ và kho trong nồi đất, sử dụng gỗ nhãn vì có thể giữ nóng được lâu hơn, người ta phải canh lửa kho trong suốt 12 tiếng liên tục. Khi ăn thì thịt cá chắc thịt, đậm vị trong từng thớ thịt, mùi thơm nức mà không bị tanh. Cũng chính vì vậy món ăn này đã trở thành một món ăn đặc sản và nổi tiếng của mảnh đất này.

Mắm cáy Bình Lục

Xứ Bình Lục có nghề làm mắm cáy truyền thống và phát triển rất mạnh. Để chế biến được 1 hũ mắm rất công phu, bắt đầu từ khi lột yếm, bóc trắng, giã những con cáy (cua càng đỏ) nhỏ cho thật nhuyễn, trộn muối rồi bịt chặt ủ kín trong vại. Sau đó đem phơi nắng một ngày rồi đem chôn dưới đất, để lâu đến khi mắm cáy phải thật nhừ rồi mới đem dùng. Mắm ngon sẽ có màu sắc rất bắt mắt và hội đủ mùi vị, từ vị mặn của muối, vị béo, bùi của giềng, vị ấm nóng của gừng… Món mắm cáy ăn với ngọn rau lang luộc, dưa muối, cà muối,.. cùng vài nhánh tỏi đập dập rất đậm đà. Khách có thể mua trực tiếp tại huyện Bình lục với giá tham khảo từ 50.000 đồng một chai 500 ml.

Chuối ngự Đại Hoàng

Chuối ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 2012 Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố chuối Ngự Đại Hoàng nằm trong top 50 loại trái cây đặc sản Việt Nam. Chuối có vỏ ngoài màu vàng, cuống xanh tươi, quả đều tăm tắp trông rất đẹp mắt. Người dân Đại Hoàng ghi lại trong sách sử địa phương, một lần vua Trần cùng đoàn tùy tùng xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường nghỉ chân tại Lý Nhân đã ăn thử giống chuối địa phương. Thấy loại quả ngon, vua ban thưởng và truyền cho người dân nhân giống.

Bánh cuốn Phủ Lý

Một trong những món ăn không thể bỏ qua đó là bánh cuốn Phủ Lý. Điểm thu hút thực khách của bánh cuốn Phủ Lý đó là loại bánh tráng được tráng 2 lớp mỏng từ bột gạo tám xoan vô cùng nổi tiếng.

Nhân bên trong được làm từ mộc nhĩ, và có thêm một ít hành phi. Bánh ăn kèm với thịt, chả, và nem nướng thơm ngon hấp dẫn.

Đặc biệt, bánh nguội nhưng phải chấm cùng với nước chấm nóng có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt,.. làm cho món ăn thêm đậm vị.

Bánh đa cá rô đồng

Hà Nam là vùng đất chiêm trũng có nhiều ao hồ nên có nhiều cá rô đồng tự nhiên sinh sống. Bún cá rô ở Hà Nam nổi tiếng là bởi hương vị nước dùng ninh từ xương cá rô ngon ngọt. Ăn kèm với bún và cá rô rau cải, rau thơm để dậy mùi. Rau cải phải là cải ngọt hoặc cải canh thì mới dung hòa được độ béo ngậy từ thịt cá rô mang lại. Bánh đa cá rô có sợi nhỏ, màu trắng đục dai. Người bán sẽ xếp cá lên giữa bát bánh đa, xung quanh là rau cải thái nhỏ đã chín rồi chan nước dùng.

Vừa rồi Cenco đã giới thiệu cho bạn về những địa điểm tuyệt đẹp, các món ăn có thể thưởng thức và cách di chuyển đến Hà Nam. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp bạn có một trải nghiệm thật ý nghĩa và đáng nhớ khi đến Hà Nam.